Kiểm tra tên miền
www.

TIN TỨC

Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính

Thứ năm | 25.07.2013 | 20:57

Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 9 với chủ đề “Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính” đã khai mạc sáng 14/7/2011 tại TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp.
Ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT nói: “Ngành CNTT-TT Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng trung bình 20 – 25%/năm, gấp 3 lần mức tăng trưởng của GDP. Tình hình phát triển và ứng dụng CNTT-TT của đất nước diễn ra tốt đẹp. 100% cơ quan nhà nước có mạng máy tính; 15% hộ gia đình có máy tính cá nhân nối mạng Internet; 62,5% gia đình có điện thoại cố định, tỷ lệ điện thoại di động đạt 1,27 máy/người sử dụng. Cả nước có trên 94.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 775 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4”.

Đề cập các biện pháp phát triển và ứng dụng CNTT-TT giai đoạn 2011 – 2015, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói: “Trước hết, chúng ta cần tiếp tục có sự ủng hộ chính trị cao với sự nghiệp xây dựng chính phủ điện tử. Thứ hai, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn cải cách hành chính với phát triển và ứng dụng CNTT-TT. Thứ ba, các bộ ngành, địa phương cần chủ động trong xây dựng chính quyền điện tử và chính phủ điện tử theo sự hướng dẫn của Bộ TTTT, xây dựng các ứng dụng thật sự hữu ích và tiện lợi có học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Thứ tư, Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT và Bộ TTTT cần sâu sát, tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy các ứng dụng tại bộ ngành, địa phương; thực hiện các chính sách đặc thù phù hợp đơn vị để xã hội hoá xây dựng và phát triển các ứng dụng CNTT-TT”.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói: “Chúng ta nói đến chính quyền điện tử thì phải hiểu đây là việc của chính quyền là chính. Tuy nhiên, hôm nay, ở đây vẫn chủ yếu tập trung lực lượng ngành CNTT-TT”. Theo ông Hà, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức của giới lãnh đạo về chính phủ điện tử và vai trò của báo chí thật sự quan trọng.

Trong phát biểu chào mừng, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HCA nói: “CNTT-TT hiện đã trở thành hạ tầng mềm cho đất nước phát triển. Đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT đã được phê duyệt. Hội thảo Quốc gia về CPĐT kỳ này lấy chủ đề “Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính”. Chúng tôi tin rằng, Hội thảo năm nay sẽ đóng góp quan trọng vào cải thiện môi trường quản lý hành chính của đất nước, góp phần đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT”. Hội Tin học TP.HCM (HCA) là đơn vị cùng với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG (IDG Việt Nam) và các đơn vị khác tổ chức các sự kiện Hội thảo Quốc gia về chính phủ điện tử (Vietnam E-Government Symposium); Hội thảo Toàn cảnh Thị trường & Công nghệ CNTT-TT (Vietnam ICT Outlook - VIO), Triển lãm Quốc tế Kỷ nguyên Công nghệ số (Vietnam Consumer Digital World Expo) năm 2011 (đang diễn ra đến hết ngày 17/7/2011 ở Trung tâm Triển lãm Sài Gòn, 799 Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM).

Các báo cáo chính của Hội thảo Quốc gia về chính phủ điện tử 2011 gồm “Hiện trạng CNTT-TT Việt Nam qua Sách trắng CNTT-TT 2011” do ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TTTT kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT trình bày; Kinh nghiệm triển khai Chính phủ điện tử tại Hàn Quốc do ông Ryu Imchul, Giám đốc Bộ phận Điều phối và Kế hoạch thông tin thuộc Bộ An ninh và Hành chính công Hàn Quốc trình bày.

Theo ông Đường, ngành CNTT-TT đã có bước phục hồi khá tốt sau khủng hoảng tài chính thế giới. Vị trí của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới đã được khẳng định với nhiều thứ hạng được cải thiện đáng kể. Chúng ta có tiền đề để trở thành một nước mạnh về CNTT-TT. Nhưng, để điều này hiện thực, cần rất nhiều nỗ lực của các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và cả người dân. Đó là những nỗ lực trong triển khai thực hiện Đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT cũng như các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về CNTT-TT đã được phê duyệt. Ông Đường đã dành nhiều thì giờ giới thiệu tình hình an toàn và an ninh thông tin cũng như tình hình đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT của Việt Nam thời gian qua.

Theo ông Ryu Imchul, năm 2010 Hàn Quốc đứng ở vị trí số 1 không chỉ trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc mà còn trong bảng xếp hạng chỉ số tham gia trực tuyến. Bên cạnh đó, một số dịch vụ chính phủ điện tử của Hàn Quốc cũng được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Có nhiều yếu tố dẫn đến thành công cho chính phủ điện tử Hàn Quốc bao gồm sự vững mạnh trong hệ thống lãnh đạo của Chính phủ Hàn Quốc; quản trị tốt công nghệ thông tin; dịch vụ của chính phủ điện tử định hướng khách hàng (người dân); quản lý chương trình theo hiệu quả hoạt động và hỗ trợ kỹ thuật... “Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm và thực tiễn có hiệu quả nhất về chính phủ điện tử với các quốc gia khác trên thế giới để các nước có thể áp dụng, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia mình”, ông Ryu Imchul nói.

Thông tin về các sự kiện Hội thảo Quốc gia về chính phủ điện tử Việt Nam 2011; Hội thảo Toàn cảnh Thị trường & Công nghệ CNTT-TT Việt Nam 2011; Triển lãm Quốc tế Kỷ nguyên Công nghệ số 2011 sẽ còn tiếp tục được cập nhật. Dưới đây là một số hình ảnh từ sự kiện khai mạc Hội thảo Quốc gia về chính phủ điện tử Việt Nam 2011:

Chương Trình Khuyến Mãi